Tiếp cận táo bón ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Táo bón là biểu hiện thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt khi đang chuyển sang chế độ ăn dặm, khi bắt đầu sử dụng toilet hoặc khi trẻ đi học. Việc chú ý quan sát thói quen đại tiện của trẻ là cần thiết, nếu táo bón lặp lại nhiều lần hoặc kéo dài  nên can thiệp sớm để tránh một số biến chứng như nứt kẽ hậu môn, tích phân trong trực tràng, táo bón mạn tính, ỉa đùn. Phụ huynh lo lắng về việc con mình bị táo bón có thể tiếp cận theo hướng sau:

Bước 1: Kiểm tra các dấu hiệu cảnh báo gợi ý có nguyên nhân thực thể gây táo bón

Dấu hiệu cấp tính

  • Phân su ra chậm (trên 48 giờ sau sinh)
  • Bụng chướng nặng
  • Sốt, nôn, ỉa chảy
  • Chảy máu hậu môn

Dấu hiệu mạn tính

  • Táo bón xuất hiện ngay sau sinh hoặc những ngày đầu thời kỳ sơ sinh (sơ sinh = 0 - 28 ngày).
  • Phân hẹp (như dải ruy băng)
  • Có bất thường bàng quang (biểu hiện bằng đái không tự chủ)
  • Giảm cân hoặc tăng cân chậm
  • Chậm tăng trưởng (chiều cao ở mức độ bách phân vị thấp trên bảng theo dõi của CHC hoặc WHO)
  • Có triệu chứng ngoài ruột (đặc biệt là triệu chứng suy giảm chức năng thần kinh, nhận thức)
  • Tiền sử gia đình có đa u tuyến nội tiết hoặc khối tăng sinh liên quan.

=>> Nên đi khám bác sĩ nếu con mình có một trong số các dấu hiệu được liệt kê ở trên.

Bước 2: Trường hợp không có dấu hiệu nguy hiểm, có thể thực hiện các biện pháp như sau:

  1. Giai đoạn trẻ bắt đầu ăn dặm

  • Táo bón thường xảy ra do chế độ ăn thiếu nước và thiếu xơ, khiến phân cứng hoặc không tạo khuôn được.
  • Cần ăn tối thiểu 5 gam chất xơ mỗi ngày từ rau, hoa quả, ngũ cốc.
  • Uống đủ nước (từ sữa và các loại đồ uống khác) cần đáp ứng được lượng tối thiểu theo cân nặng như sau:
  • Trẻ sơ sinh 5 kg: 500 mL mỗi ngày
  • Trẻ em 10 kg: 960 mL mỗi ngày
  • Trẻ em 15 kg: 1260 mL mỗi ngày
  • Trẻ em 20 kg: 1500 mL mỗi ngày
  • Thời điểm này cũng nên chú ý khi thay bỉm cần vệ sinh khu vực hậu môn nhẹ nhàng để tránh nứt kẽ, gây đau khi đại tiện cũng khiến trẻ táo bón.
  1. Trẻ tập đại tiện bằng bồn cầu

  • Trẻ bắt đầu sử dụng toilet chú ý tư thế ngồi đại tiện, nên có dụng cụ kê chân như hình dưới để đầu gối cao hơn hông, giúp thư giãn cơ sàn chậu và cơ vòng hậu môn.

  • Vẫn cần chú ý uống đủ lượng nước theo cân nặng (như trên) và ăn đủ lượng chất xơ (7-15 gam/ ngày cho trẻ ở độ tuổi từ 2-5 tuổi).
  • Tránh uống quá nhiều sữa bò. Uống nhiều hơn 960 mL mỗi ngày sẽ làm chậm nhu động ruột, khiến trẻ no và không uống đủ các loại thức uống khác giúp phân mềm. Thông thường, trẻ ở độ tuổi 1 - 5 thì 720 mL sữa bò toàn phần là đáp ứng đủ lượng canxi cơ thể cần.
  • Nên chắc chắn rằng trẻ hiểu rõ các bước của việc đại tiện bằng bồn cầu và đã sẵn sàng cho việc đó.
  • Giai đoạn này, nứt kẽ hậu môn có thể xảy ra ở trẻ bị táo bón, bố mẹ cần để ý nếu trẻ không muốn đại tiện vì đau.
  1. Khi trẻ bắt đầu đến trường

  • Luyện tập thói quen đại tiện vào một khung giờ trẻ ở nhà thường là một lời khuyên hữu ích. Nhiều trẻ không thể đại tiện ở trường, việc cố ghìm phân lâu ngày có thể dẫn đến táo bón.
  • Nếu trẻ xuất hiện táo bón, vẫn nên chú ý bổ sung đủ nước, chất xơ cho trẻ và giới hạn lượng sữa bò trẻ uống trong ngày.

Một số mẹo hữu ích

  • Bổ sung một lượng nước ép hoa quả loại có chứa Sorbitol (táo, lê, mận) trong chế độ ăn để tăng cường kéo nước vào trong lòng ruột, giúp phân mềm.
  • Táo bón kéo dài trong 2-3 tháng mà tự điều trị không có kết quả nên đưa con đến khám bác sĩ để được tư vấn kỹ lưỡng hơn và có thể sử dụng một số loại thuốc nếu cần.